Mặc dù đã kêu gọi các doanh nghiệp trong nước giảm giá thịt heo nhưng những ngày qua, giá heo trên thị trường vẫn tiếp tục “neo” ở mức cao. Tình trạng này buộc các cơ quan chức năng tiếp tục khuyến khích nhập khẩu để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là liệu ngành chăn nuôi trong nước có cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập khi mà mọi khó khăn vẫn chưa chấm dứt?
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm yêu cầu các doanh nghiệp trong nước giảm giá bán thịt heo. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không thực hiện cam kết. Giá heo trên thị trường cũng chỉ giảm nhỏ giọt.
Hiện tại, Việt Nam không thiếu thịt heo nhưng nếu tình trạng này vẫn duy trì, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu.
Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu thịt heo vào Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 25.291 tấn thịt heo và sản phẩm thịt heo; tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu các doanh nghiệp không kéo giảm được giá thịt heo.
Đây là tin vui với người tiêu dùng khi có thêm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, đứng trên phương diện của người chăn nuôi, việc tăng nhập khẩu vô hình chung là yếu tố bất lợi. Bởi một khi đã “mở cửa” cho thịt heo ngoại vào thì rất khó để “khép lại”. Nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, giá nhập khẩu thịt heo từ các nước sẽ giảm về 0%. Thịt heo Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà. Trong bối cảnh chăn nuôi nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đây sẽ là thách thức không nhỏ.
Một trong những điểm yếu làm giảm sức cạnh tranh của thịt heo nước ta là chi phí sản xuất cao hơn rất nhiều so với các nước. Trong khi chi phí sản xuất thịt heo của Canada, Mỹ chỉ là 26.600 đồng/kg; Tây Ban Nha là 32.700 đồng/kg; Đan Mạch 33.800 đồng/kg; Bỉ 34.300 đồng/kg; Pháp 34.300 đồng/kg; Séc 36.800 đồng/kg; Anh 38.200 đồng/kg thì tại Việt Nam là 42.500 đồng/kg. Như vậy, trung bình chi phí sản xuất thịt heo ở nước ta đã cao hơn các nước khác từ 4.300 – 15.900 đồng/kg. Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chi phí này còn cao hơn do không chủ động được con giống.
Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được ngăn chặn hoàn toàn ở nước ta, buộc các cơ sở chăn nuôi phải tăng thêm chi phí phòng bệnh. Theo ông Kiều Đình Thép, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, kể từ khi xảy ra dịch bệnh, mỗi ngày công ty phải phun sát trùng từ 2-3 lần và gia tăng thêm xe vận chuyển. Giá thành chăn nuôi cũng bị đẩy lên từ 10 -20% so với trước.
Mặc dù các nước châu Âu cũng đang phải chống chịu với dịch tả heo châu Phi, thế nhưng họ vẫn đủ sản lượng để xuất khẩu. Nguyên nhân là ở các nước này, ngành chăn nuôi heo đã đi vào chu trình khép kín, quy củ và chuyên nghiệp. Từ đó giảm giá thành chăn nuôi cũng như hạn chế được thiệt hại bởi dịch bệnh.
Thêm một nguyên nhân khiến giá thành thịt heo nước ta cao hơn các nước là do có quá nhiều khâu trung gian. Khâu trung gian này bao giờ cũng hưởng mức lợi nhuận rất cao. Cho dù các cơ sở chăn nuôi giảm giá bán thịt heo thì khi đến tay người tiêu dùng, giá vẫn ở mức cao. Thế nên chính sách giảm giá không đến được với người tiêu dùng, còn người chăn nuôi thì bị thiệt.
Trong điều kiện hiện tại, thịt heo Việt Nam khó có khả năng cạnh tranh với thịt heo ngoại. Dù vậy, khi đã tham gia vào thị trường quốc tế, chúng ta phải chấp nhận áp lực cạnh tranh thậm chí ngay cả trên sân nhà. Chỉ khi khắc phục được những khó khăn nội tại bằng sự đồng lòng của các bên tham gia, ngành chăn nuôi nước ta mới có thể phát triển bền vững.